Tin Tức Tết nhất, những người đồng tính chỉ biết buồn lòng cười trừ: “Năm nay con chưa lấy vợ/chồng đâu”

  • Người đăng Vinhconheo
  • Start date
Vinhconheo

Vinhconheo

8/6/20
65
0
1
31
Việt Nam Đồng
0.00đ
Credits
$0
Tết là dịp để chúng ta có những khoảng thời gian vui vẻ, thoải mái bên gia đình, bạn bè. Nhưng có những thói quen "xấu xí" trong Tết được nhắc từ năm này qua năm khác, mãi cũng không bỏ được. Đơn cử là những câu hỏi kiểu như: Năm nay lấy vợ chưa cháu? Bạn gái đâu sao không dắt về cho bố mẹ?

Nhiều bạn trẻ dị tính luôn phát bực với các câu hỏi kiểu như vậy. Với người đồng tính, đôi khi còn chán ngán và bực dọc hơn: "Năm nay con chưa lấy vợ/chồng đâu ạ".



Bố mẹ lúc nào cũng mong con trai dẫn bạn gái về ra mắt trong dịp Tết.


"Đưa về chắc ba mình quật gãy giò mất"

"Mình chưa nói với bố mẹ mình là Gay đâu, chắc năm nào chơi lớn dẫn ngay bạn trai về rồi dõng dạc bảo bố mẹ đây là người yêu con, chứ giờ đưa về chắc ba mình quật gãy giò mất", T.P, một bạn nam 26 tuổi đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ. P cũng cho biết ba mẹ thường không bắt ép gì cả, nhưng lúc nào cũng hỏi: sao năm nay không dẫn bạn gái về? năm nay có bạn gái chưa? năm sau lấy vợ được chưa…

"Nghe vậy cũng chỉ buồn với cười trừ thôi. Thực ra mình không buồn vì mình đồng tính hay có bạn trai, chỉ thương ba mẹ cứ kỳ vọng nhiều", P tâm sự, giọng cũng trầm trầm xuống. "Mẹ mình cũng hay bóng gió những câu như: năm sau mày kiếm ai về cắm hoa cho mẹ nhé, mẹ cắm xấu quá; những lúc thế mình chỉ lảng lảng sang chuyện khác mà thôi".

Tương tự như P, T.K, 22 tuổi đến từ Hà Nội nhiều khi cũng buồn lòng vì câu chuyện ngày Tết kiểu như vậy. Cậu kể rằng ba mẹ thấy hàng xóm con cái đều có vợ chồng, có người yêu đến rồi cũng tủi thân. Có khi mẹ không nói gì nhưng cứ nhìn K xong lại thở dài.

Tuy nhiên, câu chuyện của ba mẹ, anh chị em vẫn còn nằm trong sức chịu đựng của nhiều bạn. Đôi khi, sự vô duyên lại đến từ chính những bà cô hàng xóm. N.S, một sinh viên năm 3 từ Hà Nội kể rằng năm nào cũng phải nghe những câu hỏi như: "Có người yêu chưa? Sắp lấy vợ chưa? Hay ế? Tao sợ mày bê đê lắm".




Đầu năm đầu tháng, chẳng ai muốn phải nghe những lời như vậy cả. T.P kể rằng có những cô hàng xóm sang thấy anh đang nấu cơm cùng mẹ thì lại buông sẵn một câu: "Con trai lớn tướng nấu nướng gì chứ, kiếm vợ về nấu cho mẹ thôi".

Đỉnh cao của sự "vô duyên" và những tình huống trớ trêu với các bạn đồng tính là những cuộc gặp mặt, giới thiệu mà cả 2 bên đều ngớ người ra. Những ngày đầu năm mà phải theo bố mẹ đi chúc Tết hay ăn uống, các "khổ chủ" lại được phen ngán ngẩm trước các màn gán ghép chẳng ra đâu vào đâu.

"Con T. nhà em cũng 20 tuổi rồi đấy, anh chị cho nó cưới thằng P. nhé" hay "P. chưa vợ à cháu, đây có em L. nhà bác cũng độc thân này".

Anh M.H, một nhân viên văn phòng ngoài 30 tuổi còn kể rằng có những vị khách tới nhà chơi Tết với những câu hỏi thực sự vô duyên và khiếm nhã: "Có bác bạn bố anh đến nhà, có con trai bằng tuổi anh, con cái đã đuề huề. Ông ý hỏi bố anh hay anh bị bê đê".

"Bọn mình cũng khổ với mấy kiểu như thế lắm. Thành ra Tết nhất cứ lủi lủi ở trong phòng thôi, hoặc lại ra ngoài chơi với bạn bè, chứ gặp bạn bè bố mẹ hay họ hàng cũng sợ", T.K thở dài cho biết.

Come out rồi cũng không dễ thở hơn

Câu chuyện của các bạn đã công khai xu hướng tính dục (thuật ngữ come out) của mình, câu chuyện cũng muôn màu muôn vẻ. Với nhiều bạn may mắn được gia đình hiểu và thông cảm, Tết có vẻ cũng "dễ thở" hơn chút. Tuy nhiên, thái độ của nhiều bậc phụ huynh vẫn khó chấp nhận chuyện con cái mình đồng tính. Xa Quỳnh, một bạn đồng tính nữ sống tại Hà Nội chia sẻ chuyện của mình.

"Mình từng đưa người yêu cũ về ăn hai cái Tết rồi. Mỗi lần về thì cũng hay bị hỏi nhiều, nào là sao không đưa người yêu về hay bao giờ lấy chồng. Mới đầu thì không quen hay cáu, giờ riết cũng quen nên toàn cười cho qua chuyện.

Cái đợt mình dẫn người yêu về thì mẹ mình khó chịu lắm, hay tìm cách tách hai đứa ra. Nhiều khi cũng dùng lời nói làm tổn thương bạn ấy. Gia đình mình cũng chấp nhận gần hết còn mỗi mẹ mình vẫn mong mình lấy chồng".





Mạnh Tiến, sinh viên năm 3 một trường đại học tại Hà Nội cho biết mình đã come out được một thời gian nên đến Tết cũng không bị mẹ căn vặn quá nhiều chuyện. Tuy nhiên, ông bà hay họ hàng cũng chưa biết nên vẫn hay hỏi han những câu như vậy.

"Cứ mỗi lần ai đó nhắc tới việc cưới xin là mẹ mình lại quay ra nhìn mình cười cười. Mà thỉnh thoảng cũng thấy mẹ buồn buồn nếu có bạn bè nào kể chuyện con cái kết hôn, có vợ con rồi. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy cả mà, thỉnh thoảng mẹ cũng hỏi xem mình có bạn trai chưa và dẫn về cho mẹ", Tiến cười khi nhắc về chuyện mẹ mình.

Mà tương lai rồi sẽ sao…

"Thực ra Tết cũng là một phần thôi, cái mình buồn là việc thế là lại hết 1 năm rồi, mà chẳng biết năm sau sẽ ra sao", T. P tâm sự. Với nhiều bạn đồng tính, câu chuyện tương lai đôi khi không phải là thứ mà họ muốn bàn. Tết nhất là phải nghĩ đến chuyện tương lai, nghĩ năm sau sẽ ra sao, chỉ nghĩ thôi mà cũng thấy mệt…

"Có lẽ vì mình không sống theo kiểu YOLO được. Nhiều bạn bè mình cứ bảo kệ đi, lo nghĩ làm gì cho mệt hay cứ sống là chính mình đi, nhưng mà mình còn ba mẹ. Mình là con một mà ba mẹ cũng già rồi nên lúc nào cũng muốn mình lấy vợ và có con. Lấy vợ thì khổ vợ, còn không lấy thì khổ bố mẹ. Còn mình ở giữa, lúc nào cũng thấy mệt mỏi", T.P thở dài mỗi khi nhắc đến chuyện gia đình.

Ngày Tết đến, ai cũng muốn được vui vẻ, thoải mái, hưởng trọn những ngày nghỉ bên gia đình và người thân. Chỉ mong mọi người đừng biến dịp vui của năm trở thành nỗi ác mộng của nhiều người với những câu hỏi khiếm nhã hay thái độ kỳ thị như vậy.



Không biết tương lai rồi sẽ ra sao, nhưng cứ vui vẻ, hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, với Tết và bao người thân trong gia đình đi đã.
 

Bài tương tự