Truyện Đôi Cánh Hai Màu

  • Người đăng adminhuy
  • Start date
A

adminhuy

Administrator
Ban Quản Trị
7/4/19
745
0
16
Việt Nam Đồng
12,001.00đ
Credits
$0
Sau trận mưa lớn đêm hôm ấy, trời lạnh đi rất nhiều. Từng đợt gió rít lên, tạt vào mặt tôi làm đôi chân tôi run rẩy. Người đàn ông ấy kéo sát tôi vào người ông ấy hơn cho đỡ lạnh. Tôi bước thấp bước cao trên con đường ngoằn ngoèo giữa cánh đồng với đầy ổ gà. Nơi đây là ngoại ô thành phố cũng chẳng khác gì vùng quê của tôi cả. Nếu như không phải ngay từ nhỏ tôi đã quen chạy chơi trên bờ ruộng thì bây giờ tôi đã phải ngã đến vài lần rồi.

Không lâu lắm thì nghĩa trang hiện ra trước mắt tôi. Ông ấy dẫn tôi đến trước hai ngôi mộ mới đắp, một lớn một nhỏ:

– Đây là mộ của mẹ và em cháu, cháu quỳ xuống lạy mẹ đi cháu!

Nước mắt tôi đã lăn dài từ khi nào, đôi chân tôi khuỵ xuống:

– Mẹ ơi! Em ơi!….Sao mẹ bỏ..con mẹ ơi!

Tôi chỉ biết khóc và gọi mẹ, gọi em trong vô vọng thôi. Làm sao mẹ có thể trả lời tôi khi mà đất đã phủ kín người mẹ. Những mầm cỏ héo úa cũng đã bắt đầu bén rễ. Tiếng khóc của tôi hoà theo tiếng gió xào xạc trên những nhành cây xung quanh nghĩa trang.

– Cháu thắp nhang cho mẹ đi!

Người đàn ông đã đốt hương lên và đưa cho tôi.

Đôi tay tôi run run làm cho những tàn hương rơi xuống. Mùi nhang trầm toả ra mang theo khói khiến mắt tôi vốn đỏ hoe thêm cay xè. Tôi cắm nhang lên mộ mẹ và em tôi. Trên cây gạo phía sau tôi, đàn quạ kêu quàng quạc, rùng rợn và thê lương.

Tôi gục đầu xuống mộ mà khóc. Ông ấy không nói gì chỉ xoa nhẹ lên lưng tôi đã run lên tự khi nào.

Trời tối dần. Ông mặt trời từ từ đi xuống sau rặng tre. Đàn quạ càng lúc càng đông hơn, tiếng kêu cũng lớn hơn. Thỉnh thoảng lại có con lao xuống bãi tha ma rồi lại bay vọt lên. Gió càng lúc càng lạnh và lạnh hơn nữa khi người ta đang ở trong nghĩa trang giữa cánh đồng rộng lớn.

Người đàn ông về phía chân trời rồi lại nhìn những con quạ hung dữ, nói:

– Chúng ta về thôi cháu!

Tôi không dám cãi lời ông. Ông đỡ tôi dậy và dắt tôi đi. Chân cứ bước theo ông ấy nhưng ánh mắt tôi vẫn hướng về phía mộ mẹ. Tôi ngoái đầu ra phía sau để ngôi mộ ấy gần tôi hơn nhưng không được, nó cứ xa dần và khuất bóng. Chỉ có tiếng quạ vẫn văng vẳng bên tai tôi, làm tôi thấy ớn lạnh.

Người đàn ông ấy và tôi về đến nhà thì trời cũng đã tối.

– Hai người rửa chân tay đi rồi ăn cơm thôi! – Người phụ nữ đứng ở cửa và nói khi vừa thấy chúng tôi.

Người đàn ông gật đầu và dắt tôi ra phía cái giếng. Đó là một cái giếng đào, đường kính khoảng một mét, miệng giếng đã phủ rêu xanh và trơn bóng.

Ông ấy lấy xô, múc nước và đặt trước mặt tôi:

– Cháu rửa tay đi.

Tôi đáp “Vâng” rồi cho tay vào xô nước.

Nước lạnh cóng làm tôi phải rụt tay lại. Giữa những buổi trưa hè nóng nực, nước giếng còn mát lạnh, huống chi trong ngày đông tháng giá này. Tuy nhiên, bàn tay tôi thì không thể không rửa bởi hiện tại nó đã rất bẩn. Tôi cắn môi nhúng tay vào nước chống chịu với cái lạnh.

Người đàn ông nhìn tôi. Có lẽ ông không tin tưởng lắm vào việc để cho một thằng bé chưa đầy năm tuổi tự rửa tay nên ông ngồi xuống, cầm lấy bàn tay bé nhỏ của tôi. Ông kì sạch bùn đất bám trên tay tôi.

Ánh đèn từ trong nhà chiếu ra. Tôi ngước mắt lên nhìn ông. Khuôn mặt người đàn ông đầy nét vất vả nhưng thật hiền.

– Xong rồi! Cháu vào nhà đi kẻo lạnh! – Ông ấy nói với tôi khi rửa tay cho tôi xong.

Tôi đứng dậy và đi vào. Lúc này người phụ nữ đang xới cơm. Bà ấy không nhìn tôi, nói:

– Cháu ngồi xuống đây!

Tôi theo lời bà ấy, ngồi xuống chiếc ghế đã lung lay.

Bàn ăn ngoài cơm và rau thì có thêm một đĩa trứng nhỏ.

– Cháu thông cảm nhé, nhà bác nghèo nên không có gì ngon cho cháu được!

Tôi cười nhạt:

– Không sao đâu ạ!

Sinh ra trong một nhà nghèo nên nhìn bàn ăn thế này với tôi cũng không có gì lạ. Nhìn người phụ nữ xới cơm, tôi cứ ngỡ đó là mẹ đang mỉm cười với tôi và nước mắt lại trào ra nơi khoé mắt.

Người phụ nữ lắc đầu và ngồi xuống đối diện với tôi. Bà ấy không nói gì, cho đến khi người đàn ông bước vào thì chúng tôi bắt đầu ăn cơm.

Suốt bữa ăn, chẳng ai nói với ai lời nào cả, thỉnh thoảng họ gắp trứng cho tôi. Dường như cái đĩa trứng nhỏ ấy là họ dành riêng cho tôi, còn hai người chỉ ăn cơm rau mà thôi. Nhưng tôi cũng chẳng ăn được là bao, bát cơm chưa với được bao nhiêu thì tôi buông đũa xuống.

Tiếng thở dài khe khẽ vang lên. Hai người ăn nhanh hơn và người phụ nữ mau chóng dọn bàn đi.

– Sáng hôm ấy, khi bác đi làm thì đã thấy ba mẹ con cháu nằm bất tỉnh ở giữa đường. Cháu còn thoi thóp thở còn mẹ và em cháu thì đã…. – Người đàn ông buồn bã nói với tôi.

Tôi cúi đầu, lặng lẽ không nói gì.

– Bác gọi mọi người đến thì không ai biết mẹ con cháu là ai và cũng không có cách nào liên lạc với người thân của cháu nên mọi người đã an táng cho mẹ và em cháu. Còn cháu thì bác đề nghị với mọi người cho cháu ở lại với gia đình bác. – Ông ấy tiếp tục nói.

Nước mắt lưng tròng, người tôi run run.

Người phụ nữ thu dọn xong, bước vào ngồi xuống bên tôi:

– Tại sao ba mẹ con cháu lại ở đó vào đêm mưa hôm ấy? – Người phụ nữ hỏi tôi.

Tôi lắc đầu, im lặng. Thực sự lúc đó tôi không dám nghĩ về đêm hôm ấy cũng như nghĩ về người cha tồi tệ của tôi.

Hai người họ nhìn nhau rồi cùng thở dài.

Cả ba không nói thêm gì nữa. Tiếng côn trùng kêu lên từng đợt.

Một lát sau, người phụ nữ xoa đầu tôi nói:

– Đó cũng phải chuyện vui vẻ gì, cháu đừng nghĩ ngợi thêm buồn.

Người đàn ông mỉm cười an ủi:

– Đúng vậy!

Tôi khẽ gật đầu trong ánh mắt xót thương của hai người lớn tuổi.

– Cháu tên là gì? Hai bác vẫn chưa được biết tên cháu. – Người đàn ông nói tiếp.

Tôi đáp:

– Cháu là Vũ Phong.

Hai người một lần nữa nhìn nhau khi nghe đến cái tên gợi đến sóng gió và ứng chiếu với cuộc đời đầy bão giông của tôi.

Gạt bỏ ý nghĩ thoáng qua, người đàn ông nói:

– Bác là Nam.

Chỉ người phụ nữ, ông tiếp:

– Đây là vợ bác, tên Hạnh. Hai vợ chồng bác không có con.

Nghe vậy tôi mới hiểu tại sao trong căn nhà này ngoài họ ra chẳng có bất kì ai khác. Một căn nhà im ắng trong tiếng gió đông không ngừng rít lên.

– Quê cháu ở đâu, hai bác sẽ đưa cháu về với người thân của cháu.

Người thân của tôi ư? Ngoài mẹ ra thì đâu còn ai? Cái người được gọi là cha tôi thì sao? Ngay cả mặt tôi cũng không biết thì sao được coi là người thân? Hơn nữa, ông ta còn chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của mẹ tôi. Tôi hận ông ta còn chưa thấu thì sao về sống với ông ta được. Mà dẫu có muốn thì tôi cũng không biết ông ta ở đâu.

– Cháu không còn ai thân thích cả. – Tôi nói.

Người phụ nữ khẽ nhíu mày, những nếp nhăn nơi khoé mắt xô vào nhau:

– Khổ thân cháu!

Người đàn ông nhìn sâu vào mắt tôi:

– Bây giờ cháu muốn về đâu? Bác sẽ đưa cháu đi!

Một thoáng im lặng, tôi đáp:

– Cháu không biết.

Thực sự thì tôi đâu còn chỗ nào để về. Mẹ không còn, tôi về quê thì làm được gì? Một thằng bé năm tuổi như tôi sao biết nuôi thân. Trước khi mất, mẹ có nói tôi đi tìm ông bà ngoại song họ là ai tôi nào có biết. Mặt mũi họ ra sao, họ sống ở đâu, tôi chưa một lần gặp họ. Còn họ nội thì tôi càng không biết bởi trước đây tôi vẫn tưởng mình không cha.

Người phụ nữ nắm lấy bàn tay tôi:

– Vậy cháu ở đây với hai bác nhé! Cháu sẽ là con của hai bác, được không cháu?

Tôi đưa mắt nhìn người đàn ông thì thấy ông cũng đang nhìn tôi, ánh mắt hy vọng tôi đáp ứng lời của người phụ nữ.

Im lặng.

– Vâng ạ! – Tôi nói.

Người phụ nữ mỉm cười rơi lệ và ôm tôi vào lòng.

– Con ngoan của mẹ! – Bà ấy đổi cách xưng hô.

Tôi cảm thấy rất ấm áp và kể từ đây, tôi trở thành con nuôi của họ.

……………………

Đọc bản đầy đủ nhất của truyện tại Đôi Cánh Hai Màu trên trang facebook Truyện Gay Vũ Phong của mình nhé!

https://www.facebook.com/truyengayvuphong/ hoặc https://www.facebook.com/truyengayvuphong/posts/1767429093496894
 

Bài tương tự